Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa âm PVM
bước 𨀈
◎ âm PVM: *tpaak [VĐ Nghiệu 2011: 47], pươk³ (nguồn), pươk³ (Mường bi) [NV Tài 1993: 236].
đgt. di chuyển bằng chân. Quét trúc bước qua lòng suối, thưởng mai về đạp bóng trăng. (Ngôn chí 16.3).
đgt. (bóng) hoạt động, tham gia vào chính sự. (Bảo kính 158.1, 165.1)‖ Nối nghiệp tiên nhân đọc một kinh, chẳng ngờ bước tới áng công danh. (Bảo kính 166.2).
dt. <từ cổ> cấp bậc mới, mức độ mới. Tước thưởng càng ngày càng dõi chịu, ân thăng một bước một phen mừng. (Bảo kính 188.4).
bẻ 杷 / 𢯏
◎ âm PVM: lpiəh [VĐ Nghiệu 2011: 46], Ss đối ứng bε, pε (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 176], dẹh (Katu) [NH Hoành 1998: 248].
đgt. hái gẫy cành. Bẻ cái trúc hòng phân suối, quét con am để chứa mây. (Mạn thuật 28.3)‖ Mai chăng bẻ thương cành ngọc, trúc nhặt vun tiếc cháu rồng. (Thuật hứng 50.5).
che 遮
◎ Nôm: 𩂏 AHV: giá, đọc theo âm THV [PJ Duong 2013: 107]. Ss đối ứng cε¹ (Mường), cε² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 64], cε (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 192]. Như vậy, đây là từ hán Việt-Mường đọc âm THV, có thể xác định đây là từ mượn ở giai đoạn PVM.
đgt. chắn, ngăn (khỏi tầm nhìn, hoặc khỏi chịu sự tác động của mưa nắng). Bạch Cư Dị trong bài Tỳ bà hành có câu: “mời gọi mãi mới ra tiếp khách, tay ôm đàn che nửa mặt hoa” (千呼萬唤始出來,猶抱琵琶半遮面). (Ngôn chí 21.5)‖ Nắng quáng, sưa sưa bóng trúc che, cây im, thư thất lặng bằng the. (Tự thán 79.1)‖ (Tự thán 108.5).
đgt. phủ kín. Tráu cúc thu vàng nảy lác, sân mai tuyết bạc che đều. (Bảo kính 164.4).
đgt. trùm ở trên. Chân chạy, cánh bay, ai mỗ phận, thiên công nào có thửa tây che. (Tự thán 73.8), tây che dịch chữ tư phú 私覆.
chân 眞
◎ âm PVM: čɨɲ [VĐ Nghiệu 2011: 46], Ss đối ứng cɤn (22 thổ ngữ Mường), cɔ (7 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 191]. Dạng cɔ đối ứng với giò
dt. trong chân tay. Chân chăng lọt đến cửa vương hầu, ấy tuổi nào thay đã bạc đầu. (Mạn thuật 30.1)‖ (Thuật hứng 46.2)‖ (Tức sự 125.3, 126.5)‖ (Bảo kính 158.1)‖ (Vãn xuân 195.4)‖ (Trư 252.5)‖ (Nghiễn trung ngưu 254.2).
dt. phần phía dưới của sự vật (thường có tác dụng chịu lực). Đạo ta cậy bởi chân non khoẻ, lòng thế tin chi mặt nước bằng. (Mạn thuật 23.3)‖ (Tự thán 73.7).
dt. góc (rừng). Nương náu qua ngày chẳng lọ nhiều, chân rừng chặm một căn lều. (Tự thán 105.2).
cánh 󰰍
◎ {更 cánh + 羽 vũ}. Âm PVM: kεŋ [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss đối ứng: kɛɲ, kăɲ, kɛŋ (18 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 185].
dt. bộ phận dùng để bay của một số loài động vật. Chân chạy, cánh bay, ai mỗ phận, thiên công nào có thửa tây che. (Tự thán 73.7)‖ (Lão hạc 248.5)‖ (Điệp trận 250.2). x. chân chạy cánh bay.
gối 檜
◎ âm PVM: gol [VĐ Nghiệu 2011: 46].
đgt. kề chờm lên, đậu, đỗ (trên bến, bờ nước). Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi, đêm thanh, nguyệt bạc, khách lên lầu. (Bảo kính 153.3).
miệng 𠰘
◎ âm PVM: *miəŋ [VĐ Nghiệu 2011: 46].
dt. mồm. Còn miệng tựa bình đà chỉn giữ, có lòng bằng trúc mỗ nên hư. (Mạn thuật 34.3) x. chử miệng tựa bình. ‖ (Tự thán 89.3, 91.5, 106.4, 108.3)‖ (Tự thuật 113.6)‖ (Bảo kính 136.3, 149.7, 171.5)‖ (Thuỷ trung nguyệt 212.6).
mây 雲
◎ Nôm: 𩄲 / 𬨿 So sánh với một số đối ứng mɣl² (Mường Thải, Tân Phong, Huy Thượng), mɣj² (Giáp Lai, Yến Mao, Ba Trại), mɣn² (Lâm La, Cổ Liêm,…) của tiếng Mường [NV Tài 2006: 240]. Có thể thấy âm mɣj² gần với mây hơn cả, mɣl² là hình thức xưa hơn và mɣn² có vẻ là xưa nhất. Âm mɣn² cho phép ta liên hệ đến vân của tiếng Hán. Mối tương ứng M > V giữa tiền Hán Việt và âm Hán Việt là những cứ liệu ủng hộ cho giả thuyết này. Như vậy, *kmjər có thể là âm của ngôn ngữ tiền Việt-Mường (PVM), kmej¹ là âm Việt hoá vào thế kỷ XV. [TT Dương 2012c].
dt. mây. (Mạn thuật 26.3, 28.4)‖ Đạp áng mây, ôm bó củi, ngồi bên suối, gác cần câu. (Trần tình 41.3, 45.3)‖ (Thuật hứng 51.6, 56.5, 64.6, 65.2)‖ (Tự thán 95.3)‖ (Bảo kính 155.1, 169.5)‖ (Lão mai 215.5).
môi 枚
◎ âm PVM: *tɓur [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Đối ứng pel⁵ (Mường), cuʔbo³(Rục), apəəl (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 57].
dt. vành miệng. Môi son bén phấn day day, đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay. (Mạt lị hoa 242.1). Nhóm MQL (2001: 1171) phiên “mui son bến phấn” trỏ “con thuyền chở người kỹ nữ, người con gái giang hồ”, hoặc phiên la “mai son bén phấn” với nghĩa “môi giới cho son, tiếp nối với phấn”, ý nói hoa nhài là vật môi giới cho người con gái giang hồ theo ý của ĐDA.
mũi 𪖫
◎ âm PVM *muus. Ss đối ứng như muy (Mường), crmoh (Khmer), muh (Môn, Kuy, Stieng, Khmú, Brao), maəh (Lawa) [VĐ Nghiệu 2011: 46, 47], muj, mun (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 244].
dt. bộ phận để đánh hơi. Dài hàm nhọn mũi cứng lông, được dưỡng vì chưng có thửa dùng. (Trư 252.1).
ruột 𦛌
◎ Pọng: *hl-, kiểu tái lập: *‖-r [NT Cẩn 1997: 128]. Ss với các đối ứng trong phương ngữ: rwoât (Ai Thương, Mường), ruot (cao trai, Mường), rót (Lâm La, Mường), rọt (Đà Nang), rot (Thái Lai), kê rôât (Canh Nan), kê rwoêt (Ban Đào), bơ ruêch (Sách), prươc (chàm), krut (Mon), Gaston tái lập là *kruột [1967: 173]. Kiểu tái lập: *hruot⁵> ruột [TT Dương 2013b]. Âm PVM: *ruəc [VĐ Nghiệu 2011: 46].
dt. lòng. Co que thay bấy ruột ốc, khúc khuỷu làm chi trái hoè. (Trần tình 44.3).
dt. lòng, đáy. Dễ hay ruột bể sâu cạn, khôn biết lòng người vắn dài. (Ngôn chí 6.5).
tai 鰓 / 腮
◎ Nôm: 𦖻 Nguyên nghĩa là cái mang cá, lô cư cá vức bốn tai . CNNA, 四鰓鱸 tứ tai lư: cá lô có mang bành rộng, để hở vân mang đỏ tía, tựa như có bốn mang [Từ Hải: 913, 1544; Huệ Thiên 2004: 55]. Sách Tập Vậnvận hội ghi: “Tang tài thiết, âm tai, xương hai bên má cá.” (桑才切,𠀤音顋。魚頰中骨也). Tiếng Việt có từ mang tai (mang = tai) được hình thành từ lối giải âm. bạt tai: dùng bàn tay tát vào cả má tai. Tiếng Hán còn có một đồng nguyên tự nữa là tai 顋 cùng trỏ xương hai bên má, như cười ngoác mang tai. đầu cua tai nheo. Tng. âm PVM: *saj [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss t’aj² (nguồn), t’aj² (Mường bi), saj⁴ (Chứt), kutu:r (Vân Kiều) [NV Tài 1993: 235; 2005: 272]. Như vậy, tai là một từ Nam Á gốc Hán.
dt. bộ phận thính giác. (Ngôn chí 6.8)‖ Hễ tiếng dữ lành tai quản đắp, cầu ai khen miễn lệ ai chê. (Thuật hứng 48.7, 57.8, 60.7)‖ (Tự thán 76.7, 84.6, 92.4)‖ (Bảo kính 165.8)‖ (Trừ tịch 194.6)‖ (Tích cảnh thi 201.1).
tay 𪮏
◎ âm PVM: *si [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss đối ứng sạj² (Mường), sii (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 58], t’ăj (14 thổ ngữ Mường), s’ăj (15) [NV Tài 2005: 272].
dt. chi trên. Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay, trông thế giới phút chim bay. (Mạn thuật 26.1, 31.6)‖ (Tự thán 74.3, 75.4, 89.2)‖ (Bảo kính 149.7, 171.1, 172.2, 173.2, 183.5)‖ (Hạ cảnh tuyệt cú 197.2)‖ (Tích cảnh thi 200.4)‖ (Thuỷ thiên nhất sắc 213.5)‖ (Thái cầu 253.8).
dt. từ trỏ người, mượn bộ phận để trỏ cái toàn thể, như đầu. Không hết kể chi tay trí thuật, để đòi khi ngã thắt khi eo. (Mạn thuật 32.7).
tóc 𩯀 / 𬨻
◎ {cá + tốc}. Kiểu tái lập cho tiếng Việt tiền cổ: *ksok [TT Dương 2012a]. Âm PVM: *usŭk [VĐ Nghiệu 2011: 46].
dt. tóc trên đầu. Lòng một tấc đan còn nhớ chúa, tóc hai phần bạc bởi thương thu. (Trần tình 43.4)‖ (Thuật hứng 46.5)‖ tóc. (Tự thán 80.1)‖ Biên tóc. (Tự thán 82.6, 99.5)‖ (Tự thuật 112.5, 113.4)‖ (Bảo kính 165.4).
xương 腔
◎ Nôm: 昌 Về Từ Nguyên xin xem [TT Dương 2013 c]. Ss đối ứng: sɨəŋ2 (Mường khoi), s:əŋ (Maleng), siaŋ (tum), c?a:ŋ (Khmú), si?iaŋ (mal), kə(n)aŋ (ta-ang, rumai), si?aŋ (paraok) [Diffloth 1992: 132], sa:ŋ11 (Rục) [Ferlus 1991], âm PVM: j?a:ŋ [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Như vậy, ngữ tố này thuộc nhóm từ vựng chung.
dt. xương cốt. Đỗ Phủ trong bài Hựu trình Ngô lang có câu: “Đã tố phu phen kiết trơ xương.” (已訴征求貧到骨 dĩ tố chinh cầu bần đáo cốt). Nguyễn Trãi trong bài Ký hữu có câu “Mười năm đọc sách nghèo đến xương.” (十載讀書貧到骨 thập tải độc thư bần đáo cốt). Càng một ngày càng ngặt đến xương, ắt vì số mệnh, ắt văn chương. (Tự thán 71.1), ngặt đến xương dịch từ cụm 貧到骨.
bay 飛
◎ Nôm: 拜 / 𱝨 / 𱝧 / 𫹊 AHV: phi. Âm HTC *pəi [Schuessler 1988: 233]. Âm PVM: *pər. Ss đối ứng bạl² (Mường), pɤl² (Rục) [VĐ Nghiệu 2011: 63], păl, băl, păn, băn (24 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 175].
đgt. di chuyển trong không trung, bay là âm THV của phi 飛. (Mạn thuật 26.2)‖ (Tự thán 73.7). Lẽ có chim bay cùng cá dảy, Mới hay kìa nước nọ hư không. (Thủy thiên nhất sắc 213.7)‖ (Thái cầu 253.6).
đgt. (mùi, hương) phát tán trong không trung. (Bảo kính 172.1)‖ Đêm có mây, nào quyến nguyệt, Ngày tuy gió, chẳng bay hương. (Lão mai 215.6).
đgt. (bóng) thổi đi mất. Thiếu niên trường ốc, tiếng hư bay, Phải lụy vì danh, đã hổ thay (Tự thán 75.1).
cái 介
◎ Nôm: 丐, 𡛔 (thanh phù cái 丐). Âm phiên thiết: cổ bái thiết 古拜切 (Quảng vận) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 103], cư bái thiết, tịnh âm cái 居拜切,𠀤音戒 (Tập vận, Vận hội, Chính vận); AHV: giới.
tt. <từ cổ> lớn, to. Sách Nhĩ nhã ghi: “Cái: lớn vậy” (介大也). Kinh dịch ghi: “Nhận phúc lớn này, từ tiên Vương Mẫu” (受茲介福,于其王母), Vương Bật chua: (受茲大福) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 104]. Tiếng Việt còn bảo lưu một số từ như sông cái (>< sông nhánh), rễ cái (>< rễ phụ), cột cái (>< cột quân), đường cái (>< đường nhỏ), nhà cái,... Sau, mới chuyển thành danh từ với nghĩa (cái chủ, cái chính, kẻ đứng đầu, cầm trịch), như cầm cái, làm cái, bắt cái.
dt. HVVD. <từ cổ> mẹ [An Chi 2005 T2: 203], nghĩa này dẫn thân từ nghĩa “to, lớn”, như sông cái = sông mẹ [Paulus Của 1895: 90], do mẹ cũng có nghĩa tương tự: cái lớn cái nặng là mẹ, cái nhỏ cái nhẹ là con” [Từ hải, chuyển dẫn An Chi 2005 T2: 204]. Vì thế, cái đã chuyển dụng sang nghĩa “mẹ”, “giống cái”. (Ngôn chí 21.8). Nhắn bảo phô bay đạo cái con, Nghe lượm lấy, lọ chi đòn. (Huấn nam tử 192.1)‖ con dại cái mang tng. Đạo cái con: là đạo của con đối với mẹ, còn có biến thể đảo âm là “con cái”. Âm PVM: *ke? [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss đối ứng kaj (18 thổ ngữ Mường), maj (2 thổ ngữ), me (4 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 219], kạn (Katu) [NH Hoành 1998: 252]. Cái / gái - mái - mẹ là các từ đồng nghĩa/ gần nghĩa vào thời cổ, có khả năng nghĩa gốc đều trỏ “giống cái” hoặc “mẹ”. Mẹ / mạ / / me (媽), mụ (媒), u (媼) là từ gốc Hán, cái / gái gốc Việt-Mường, mái chưa rõ gốc, nạ - bầm gốc Việt.
dt. <từ cổ> âm cổ của gái, phái sinh từ nghĩa ②, “mẹ” > giống cái, con gái nói chung. “Con cái: con trai và con gái, chỉ dùng cho người” [Rhodes 1651: 51]. Thế sự trai yêu thiếp mọn, Nhân tình cái nhớ chồng xưa. (Bảo kính 179.6). “Lại cái: nguyên là đàn ông mà giả dạng đờn bà; không phải đực không phải cái” [Paulus Của 1895: 90].